Image
Loading

Là một trong ba dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, người Việt (Kinh), chiếm gần 85,3% dân số toàn quốc, sinh sống trên khắp cả nước, nhưng tập trung ở vùng đồng bằng, trung du và ven biển. Hình thức nhà nước đầu tiên của người Việt cổ xuất hiện từ khoảng đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Người Việt luôn là trung tâm liên kết các dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Làng là đơn vị cư trú cơ bản, nơi sản xuất nông phẩm, làm thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, được tổ chức chặt chẽ với bộ máy quản lý theo lệ tục. Làng thường có đình thờ Thành Hoàng, chùa thờ Phật, đền thờ Thánh và các danh nhân văn hóa, lịch sử. Làng là môi trường duy trì cơ cấu xã hội và văn hóa truyền thống Việt.

Đô thị xuất hiện sớm và phát triển thành các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Người Việt vừa tiếp thu những yếu tố văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây, vừa bảo tồn, phát triển tiếng nói và những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ lần lượt giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển quốc gia.  

Trong tòa "Trống đồng" của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, không gian trưng bày thường xuyên về người Việt ở tầng 1, mở đầu lộ trình tham quan "Các dân tộc Việt Nam". Hơn 70 hiện vật của người Việt đã được lựa chọn và giới thiệu theo các chủ đề như rối nước, tín ngưỡng thờ Mẫu, nhạc cụ, đồ chơi dân gian, về nghề thủ công, như đúc đồng, chạm gỗ, nghề sơn, tranh Đông Hồ... Một số sắp đặt ấn tượng được bố trí trong không gian Việt, như làm nón, xe đạp chở đó, bàn thờ gia tiên. Các chủ đề được minh hoạ bằng những bức ảnh thực địa sống động và các bài viết cô đọng. Tất cả thông tin trong trưng bày đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ : Việt, Pháp, Anh.

Ngoài ra, trong Vườn Kiến trúc (trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng, công chúng có thể khám phá một khuôn viên gồm các ngôi nhà người Việt với những chạm trổ tinh xảo. Các ngôi nhà này được đưa về từ Thanh Hóa, trong đó nhà chính đã hơn 100 năm tuổi.