Image
Loading

Theo thống kê dân số quốc gia năm 2009, có hơn 2.000 người Cống sinh sống ở vùng gần biên giới với Lào và Trung Quốc, trong địa phận huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tiếng nói của người Cống thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng). Khi giao tiếp giữa những người cùng dân tộc, họ nói tiếng mẹ đẻ, khi ra ngoài cộng đồng, họ thường sử dụng tiếng Thái – ngôn ngữ của dân tộc láng giềng đông người hơn.

Người Cống ở nhà sàn. Công việc sản xuất chính là làm nương, bộ phận ở ven sông Đà canh tác lúa nước. Trước kia người Cống chỉ làm nương theo lối phát, đốt, chọc lỗ tra hạt, từ khoảng năm 1960, hình thức canh tác nương bằng cuốc dần trở nên phổ biến. Hái lượm, bắt cá ở sông suối và săn bắn cũng là những hoạt động kiếm sống quan trọng của họ. Nam nữ Cống đều biết đan, sản phẩm là gùi, hòm đựng trang phục, giỏ đựng cơm..., có nơi đan cả chiếu mây nhuộm đỏ. Mặc dù nghề dệt không phát triển, người Cống trồng bông, để bán hoặc đổi lấy vải từ các dân tộc khác.

Thanh nữ Cống vấn tóc quanh đầu, còn phụ nữ đã có chồng thì búi tóc lên đỉnh đầu. Nữ giới mặc váy ống và áo ngắn (xẻ đằng trước hoặc bên nách, buộc dây hoặc cài khuy bướm bằng bạc hoặc nhôm). Nam giới mặc quần và áo; kiểu áo dài cài khuy bên nách, vai liền, nay đã hiếm thấy.

Cố kết theo dòng họ, thờ cúng cha mẹ, ông bà và thực hành các nghi lễ nông nghiệp nương rẫy là những nét nổi bật trong đời sống tâm linh của người Cống. Ngoài thờ cúng theo tập tục phụ hệ, các gia đình còn cúng bố mẹ vợ nhân dịp tết năm mới.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Cống: hòm mây, đàn, nỏ, đó bắt cá... được giới thiệu trong không gian dành cho các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".