Image
Loading

Ở Việt Nam có hơn 4.500 người Lô Lô (2009), thuộc hai nhóm địa phương: Lô Lô hoa và Lô Lô đen, cư trú tại ba tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng và Lào Cai. Tổ tiên của họ từ Vân Nam (Trung Quốc) di cư sang vào những thời kỳ khác nhau, nhất là vào thế kỷ VIII, XV và XVII. Ở Trung Quốc, họ có tộc danh Yi, khá đông ở hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Tiếng Lô Lô thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến (ngữ hệ Hán – Tạng). Thuở xa xưa người Lô Lô từng có chữ viết, nhưng đã bị thất truyền.

Người Lô Lô làm ruộng nước và nương định canh, ngoài ra còn có hình thức canh tác ở các hốc đá. Từ lâu đời họ đã phát triển kỹ thuật thâm canh, xen canh, gối vụ, be bờ đá để chống xói mòn đất. Lúa và ngô là hai cây lương thực chính. Bông và chàm cũng là những cây trồng quan trọng của các gia đình, cung cấp nguyên liệu cho dệt, nhuôm để tự túc đồ vải.

Nam giới trước kia mặc quần ống rộng, may kiểu chân què và cạp lá tọa, áo dài đến đầu gối. Phụ nữ ở mỗi nhóm có tập quán mặc riêng, nhưng nhìn chung y phục nữ có màu sắc rực rỡ, đặc sắc ở kỹ thuật khâu đáp, ghép các mảnh vải màu. Áo nữ có các loại ngắn và dài, mặc kiểu chui đầu hoặc cài khuy đằng trước, tất cả đều dài tay. Tuy có bộ phận nữ Lô Lô mặc quần, nhưng phổ biến là mặc loại váy ống xếp nếp. Trong bộ nữ phục còn có khăn, dây lưng, tạp dề và xà cạp.

Nhà cửa của người Lô Lô có sự khác nhau giữa các địa phương: có nơi họ ở nhà trệt như nhà người Hmông láng giềng, có nơi họ làm nhà sàn giống nhà người Tày, ở vài nơi có cả một số ngôi nhà nửa sàn nửa trệt.

Tuy dân số ít nhưng người Lô Lô hiện nay có tới hơn 30 họ, mỗi nhóm có những họ khác nhau: người Lô Lô hoa có các họ Phái, Lò, Thào, Duyên, Màn, Lồ, Hồ, Cáng… ; người Lô Lô đen có họ Vàng, Dìu, Lù, Đào, Chông, Ly, Bàn, Hoàng… Mỗi gia đình đều lập bàn thờ tổ tiên, nhưng các lễ cúng thường tổ chức ở nhà tộc trưởng (người đứng đầu dòng họ). 

Người Lô Lô có tục dùng trống đồng và rất quý trống đồng. Một trống đực và một trống cái hợp thành một bộ, do tộc trưởng cất giữ. Trống được chôn dưới đất, chỉ đào lên để sử dụng trong đám tang.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Lô Lô, nhất là các bộ y phục đặc sắc, được giới thiệu trong không gian "Tạng – Miến" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Các bức ảnh thực địa cung cấp những hình ảnh sống động về cuộc sống của đồng bào.