Image
Loading

Theo thống kê dân số năm 2009, ở Việt Nam có gần 23.300 người Xinhmun, cư trú tập trung trong tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên.

Người Xinhmun sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, trồng lúa, ngô. Nghề đan lát khá phát triển, đồ đan của họ đẹp và bền. Nhà sàn truyền thống của Xinhmun có mái khum hình mai rùa. Trước đây, nhằm ghi nhận việc vay mượn, người Xinhmun thường khắc vạch các ký hiệu lên những thanh tre, để người nợ và chủ nợ cùng ghi nhớ. Như nhiều cư dân khác, người Xinhmun có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen, uống rượu cần...

Nhiều nghi lễ nông nghiệp vẫn thường được tổ chức trong canh tác nương rẫy. Trong tục lệ hôn nhân, có 2 nghi lễ quan trọng: lễ cưới, để đón rể về sống với gia đình nhà gái, và lễ đón dâu về nhà trai, tổ chức nhiều năm sau đó, khi hai vợ chồng đã nhiều tuổi, con đã lớn.

Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Xinhmun, mõ trâu, đó đơm cá, giỏ đựng hạt giống..., được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơme miền Bắc" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".