Image
Loading

Dân tộc Chơro có gần 27.000 người (2009), phần lớn cư trú ở tỉnh Đồng Nai. Tổ tiên người Chơro thuộc lớp cư dân bản địa ở miền núi phía nam Đông Dương. Nằm trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á), tiếng Chơro vừa có nhiều từ trong tiếng Khơme, vừa gần gũi với tiếng nói của những tộc người cùng nhóm ngôn ngữ ở vùng nam Tây Nguyên và đông Nam Bộ. Đến nay, người Chơro đã tiếp thu nhiều ảnh hưởng về ngôn ngữ và văn hoá từ người Việt cùng cư trú ở địa phương.   

Trong xã hội truyền thống, lối sống của người Chơro có nhiều nét tương đồng với các tộc người bản địa khác ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Đó là lối sống nặng tính tự cấp tự túc trong làng; kinh tế gia đình dựa chủ yếu vào nông nghiệp nương rẫy, chăn nuôi gia súc và gia cầm, săn bắn, bắt cá, hái lượm có vai trò đáng kể trong đời sống. Hoạt động đan lát phổ biến trong các gia đình, tạo những vật dụng thiết thực như gùi các loại, nia, mủng, phên, chiếu... Một số người làm nghề rèn, chủ yếu là sửa chữa công cụ lao động. Các nghề thủ công khác không phát triển. Trao đổi hàng hoá với bên ngoài tương đối thuận lợi, cung cấp cho dân làng những vật dụng thiết yếu. 

Từ khá lâu, nét truyền thống Chơro còn lại không nhiều, từ hình thức cư trú, nhà cửa cho đến y phục đều có sự thay đổi, thể hiện xu thế hoà nhập mạnh mẽ với người Việt. Nhà sàn đã vắng bóng, tập quán ở nhà sàn được thay thế bằng nếp sinh hoạt trong nhà trệt. Khố, váy, áo chui đầu và tấm choàng đã được thay thế bằng quần áo mặc như người Việt. Tuy nhiên, người Chơro vẫn giữ tập quán đeo gùi sau lưng, làm rượu cần, coi ché và bộ chiêng 7 chiếc là tài sản giá trị... Về âm nhạc, ngoài cồng chiêng, đôi khi có thể gặp vài loại nhạc cụ truyền thống khác như tiêu, đàn ống tre, cũng như có thể thấy họ hát đối đáp trong dịp lễ hội. Phong tục tang ma chịu ảnh hưởng của người Việt. Tập tục cúng "thần rừng" đã mai một, nhưng cúng "thần lúa" hằng năm vẫn được coi trọng ở nhiều nơi, nhằm mục đích cầu mùa. Mặc dù đã có những gia đình là kết quả của hôn nhân với người khác tộc, nhất là với đàn ông Việt và Khơme, nhưng tàn dư tập tục mẫu hệ lâu đời vẫn được duy trì trong xã hội Chơro.

Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Chơro được giới thiệu cùng với hiện vật các dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".