Image
Loading

Tổ tiên người Co sinh tụ lâu đời ở vùng rừng núi tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, vẫn trên địa bàn ấy, dân tộc Co có gần 34.000 người (2009). Trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á),tiếng Co gần gũi với tiếng nói của những cư dân bản địa khác ở khu vực bắc Tây Nguyên, như: Xơđăng, Hrê...

"Quế Quảng" (ở Trà My và Trà Bồng) là đặc sản nổi tiếng và có vai trò quan trọng trong đời sống người Co. Tuy nhiên, canh tác rẫy vẫn giữ vị trí chủ đạo từ xưa tới nay, với cây lương thực chính là lúa, ngoài ra có ngô, sắn... Dụng cụ nông nghiệp có nhiều loại, như: rìu, dao, gậy chọc lỗ, ống trỉa lúa, nạo cỏ, giỏ tuốt lúa, gùi vận chuyển... Mỗi gia đình thường tự túc toàn bộ đồ đan: nia, mủng, rổ, đó, giỏ..., đặc biệt là các loại gùi. Người Co không dệt vải, họ thường mua đồ vải của người Xơđăng và người Việt. Sở thích đeo nhiều chuỗi cườm có màu sắc và cỡ hạt khác nhau, cũng như các trang sức chất liệu khác, là một đặc điểm của người Co.

Quan hệ cộng đồng dân làng là một nét truyền thống trong xã hội Co. Xưa kia cả làng người Co ở chung trong một hoặc vài ngôi nhà sàn rất dài, nhưng từ mấy chục năm trước đã không còn thấy loại hình cư trú này. Thay vào đó, các gia đình riêng với hình thức nhà cửa như ở vùng người Việt xứ Quảng trở nên phổ biến. Người Co tin có rất nhiều kơi (ông), mah (bà) và những siêu linh khác chi phối cuộc sống của họ. Vì thế, các nghi lễ cúng bái được coi trọng, trong đó hiến sinh trâu của làng là nghi lễ lớn nhất, với những hoạt động phong phú và giàu bản sắc.  

Âm nhạc cồng chiêng rất quan trọng, người Co thường dùng bộ chiêng 3 chiếc diễn tấu kết hợp với một chiếc trống. Họ còn chế tác và sử dụng nhiều loại nhạc cụ bằng vỏ bầu, ống tre, nứa... Vốn truyện cổ, các điệu dân ca và múa nghi lễ cũng là những bộ phận quan trọng trong di sản văn hoá của dân tộc này.

Trưng bày về người Co được bố trí cùng với các dân tộc khác thuộc nhóm Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Ngoài ra, một cột lễ đâm trâu với nhiều trang trí truyền thống đưa về từ Quảng Ngãi, được dựng ở trung tâm sảnh lớn ở tầng 1. Một nhà mồ (tỷ lệ 1:1) được những người Co ở Quảng Nam làm và dựng trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) từ năm 2005. Toàn bộ thông tin hiện vật và các bài viết trong trưng bày đều được thực hiện bằng 3 ngôn ngữ : Việt, Pháp, Anh.