Image
Loading

Khơmú là một trong 21 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á) ở Việt Nam. Với dân số hơn 72.900 người (2009), họ sống chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An. Người Khơmú còn ở Lào, Thái Lan...

Hoạt động kinh tế của người Khơmú chủ yếu là canh tác nương rẫy, với các loại cây trồng chính như ngô, khoai, sắn. Hái lượm và săn bắt có vai trò quan trọng trong đời sống. Gia súc, gia cầm được nuôi để phục vụ nhu cầu thực phẩm, nhưng quan trọng nữa là cho các nghi lễ. Nghề đan lát phát triển, chủ yếu là đan đồ gia dụng, đồ dựng để vận chuyển... Đồ đan của người Khơmú còn được trao đổi, bán cho những người khác tộc. Phụ nữ Khơmú có truyền thống dệt vải bằng loại dụng cụ dệt buộc lưng.

Họ của người Khơmú đều mang tên một loài thú, chim, cây cỏ nào đó. Trong tập tục hôn nhân, chàng rể phải sống một năm đầu bên gia đình vợ. Trong thời gian này, người chồng đổi họ theo vợ, con mang họ mẹ. Sau thời gian ở rể, gia đình sẽ chuyển về nhà chồng, khi đó, vợ, chồng, con đều sẽ đổi sang họ của bố. Vai trò của anh/em trai được coi trọng đối với nhiều công việc hệ trọng của gia đình chị/em gái, nhất là việc dựng vợ gả chồng cho các cháu.

Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Khơmú, nữ phục, gùi đeo qua trán, các dụng cụ dệt vải..., được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơme miền Bắc" ở tầng 2 của Tòa Trống đồng.