Image
Loading

Rơmăm là một trong ba dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, chỉ có 436 người (2009) sinh sống tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Vùng ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia là địa bàn cư trú lâu đời của họ; hiện nay ở Campuchia cũng có những làng người Rơmăm. Tiếng Rơmăm được xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme (ngữ hệ Nam Á), gần gũi với tiếng nói của người Halăng và người Cadong (dân tộc Xơđăng).

Người Rơmăm làm rẫy, trồng nhiều lúa nếp, đồng thời cũng trồng lúa tẻ, ngô, sắn, thuốc lá..., với cách thức canh tác tương tự như các cư dân bản địa khác ở Tây Nguyên: phát, đốt, chọc lỗ tra hạt... Tập quán gieo trỉa của họ giống với người Giarai láng giềng: một người cầm mỗi tay một chiếc gậy nhọn đầu và chọc lỗ, 1-2 phụ nữ theo sau để tra hạt giống.

Trước kia, đàn ông Rơmăm thạo đan lát, đàn bà dệt vải. Y phục thường bằng vải mộc (không nhuộm), gồm khố của nam giới, váy quấn và áo không ống tay của phụ nữ; trời lạnh thì có thêm tấm choàng, cũng đồng thời là chăn. Trang sức nữ chủ yếu là vòng tay, vòng cổ và hoa tai, người khá giả dùng hoa tai bằng ngà voi, đường kính có thể tới 4-5cm. Tập quán "căng tai" và cà răng ngày nay không còn.

Theo truyền thống, làng có nhà rông (nhà cộng đồng) ở giữa, những ngôi nhà sàn dài của các gia đình dựng thành một vòng xung quanh. Mỗi nhà dài có nhiều gia đình nhỏ, mỗi gia đình sở hữu một buồng riêng với bếp đặt trong đó. Gian giữa nhà là chỗ tiếp khách và sinh hoạt chung, một hành lang chạy dọc sàn nhà, kết nối không gian của các gia đình với nhau và với gian chung. 

Xã hội Rơmăm ở giai đoạn quá độ từ mẫu hệ sang phụ hệ. Theo tập tục, sau lễ cưới, đôi vợ chồng thường ở với gia đình vợ 4-5 năm, sau đó chuyển sang gia đình chồng, hoặc họ cư trú luân chuyển đôi bên cho đến khi cha mẹ một bên qua đời mới ở ổn định một nơi. Luật tục được coi trọng. Quan hệ cộng đồng được đề cao. Ông "già làng" có vai trò như vị thủ lĩnh, có uy tín đặc biệt đối với toàn thể dân làng.

Người Rơmăm cho rằng trời, đất, sông, núi, con vật, chiêng, ché... đều có "hồn". Mỗi người chết đi, hồn sẽ biến thành ma. Thường sau lễ mai táng vài ba năm, gia đình tổ chức lễ bỏ mả, một lễ lớn theo tập tục Rơmăm. "Hồn lúa" rất quan trọng, nhiều nghi lễ được tổ chức trong mỗi vụ canh tác lúa rẫy. Khi làm nhà, lập làng, ốm đau, sinh con... cũng đều có lễ cúng. Tùy nghi lễ, vật hiến sinh có thể là gà hay lợn, dê..., lớn nhất là trâu.

Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Rơmăm được giới thiệu cùng với hiện vật các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơme Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".