Image
Loading

Nhà sàn là loại hình kiến trúc cổ truyền phổ biến ở Đông Nam Á. Nhà thường được làm bằng vật liệu thảo mộc, như: cột gỗ, xà gỗ và tre, vách phên nứa hoặc vỏ cây, mái lợp cỏ tranh, lá cọ, lá mây hay ống tre bổ đôi...

Có nhiều kiểu dáng nhà khác nhau ở các nơi và các tộc người. Kiểu nhà có đầu nóc nhô ra ở hai đầu hồi là một kiểu đặc sắc. Ở Indonesia, có nơi người ta làm hai đầu nóc nhà nhô cao lên khác thường và uốn cong như chiếc sừng trâu (người Minangkabau), hoặc được đỡ bởi những cột lớn có trang trí công phu (người Toraja).

Trang trí trên hai đầu nóc nhà cũng là một nét đặc trưng trong truyền thống kiến trúc ở Đông Nam Á. Đặc biệt, có thể gặp hình sừng trâu trên mỗi đầu nóc nhà của nhiều tộc người tại Thái Lan và Campuchia, hay người Malay ở Malaysia và Singapore, người BAtak ở Indonesia, người Yuan ở Lào... Người ta coi đó là yếu tố tượng trưng cho thế lực bảo vệ ngôi nhà, đồng thời hình thức trang trí này còn phản ánh vai trò quan trọng của con trâu trong đời sống cư dân Đông Nam Á.