Tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng), nhà của người Việt được sưu tầm từ xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và dựng lại tại Bảo tàng lần đầu vào năm 2000, gồm 10 gian nhà chính: 3 gian nhà thờ, 3 gian nhà học, 4 gian buồng. Năm 2006, khu nhà ngang, bếp, các tiểu kiến trúc như: giếng, bể nước, sân gạch… tiếp tục được xây dựng. Năm 2020, Bảo tàng đã bổ sung và hoàn thiện nội thất hai gian buồng của khu nhà chính. Các gian nhà ngang chưa có nội thất hoàn chỉnh nên được sử dụng để trưng bày rối nước và khung dệt cổ kèm một số sản phẩm dệt; một phần trong số đó được sử dụng làm kho tạm. Việc tổ chức trưng bày nội thất khu nhà ngang của ngôi nhà Việt tại Bảo tàng có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng thể về cấu trúc và phân bố không gian sinh hoạt trong ngôi nhà theo kiến trúc truyền thống của người Việt ở Bắc Bộ.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Ảnh: Chu Thái Bằng |
PGS.TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ảnh: Vũ Phương Nga |
Để thực hiện nhiệm vụ này, từ ngày 22 đến ngày 26/4/2024, đoàn công tác của Bảo tàng gồm bốn thành viên do PGS.TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng, làm Trưởng đoàn, đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát hiện vật tại tỉnh Thanh Hóa. Đoàn công tác đã làm việc với Ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trao đổi về tình hình trưng bày văn hóa Việt tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, trong đó có các hiện vật liên quan đến ngôi nhà truyền thống của người Việt. Đồng thời, đoàn công tác cũng dành nhiều thời gian đến một số gia đình và nhà sưu tập tư nhân tại các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và Đông Sơn để khảo sát, thu thập thông tin của các hiện vật dự định sưu tầm phù hợp với không gian nhà người Việt tại Bảo tàng. Hiểu được ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của người Việt, một số nhà sưu tập tư nhân đã hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng, trong đó có những hiện vật hiếm, khó tìm như hộp đựng sách của thầy đồ (niếp sách), bình vôi được sử dụng lâu năm có dấu ấn thời gian rất rõ nét và đẹp, xe đạp... Qua khảo sát, đoàn công tác đã lập danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm và hoàn tất quy trình khảo sát hiện vật theo quy định được nêu trong Thông tư số 11/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày 21/6/2024, Hội đồng tư vấn sưu tầm hiện vật do Giám đốc Bảo tàng thành lập đã họp và đồng thuận với danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm mà đoàn công tác đề xuất. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tiến hành các thủ tục cần thiết và tổ chức chuyến sưu tầm hiện vật từ ngày 29 đến ngày 31/7/2024. Kết quả là, đã có tổng số 27 nhóm hiện vật (42 đơn vị hiện vật) được sưu tầm, bao gồm: 13 nhóm hiện vật (25 đơn vị hiện vật) được mua và 14 nhóm hiện vật (17 đơn vị hiện vật) được các chủ sở hữu hiến tặng cho Bảo tàng. Các hiện vật này đã được vận chuyển an toàn về Bảo tàng.
Những hiện vật được sưu tầm lần này sẽ giúp Bảo tàng tái tạo không gian sinh hoạt của một đại gia đình người Việt ở Bắc Bộ giai đoạn trước năm 1975, đồng thời làm giàu thêm bộ sưu tập hiện vật về văn hóa người Việt của Bảo tàng. Hiện tại, lý lịch hiện vật đã được hoàn tất để nhập hiện vật vào kho bảo quản, chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa các hiện vật phù hợp vào không gian trưng bày của các gian nhà ngang trong quý IV năm 2024.
Tin: Vũ Phương Nga