Image
Loading

Thuộc nhóm ngôn ngữ này có 8 dân tộc, với hơn 5 triệu người, chiếm 5,2 % dân số cả nước. Các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Giáy, Bố Y sinh sống ở vùng đông bắc Bắc Bộ; còn các dân tộc Thái, Lào, Lự phân bố từ vùng Tây Bắc đến miền tây hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Tổ tiên người Tày có mặt ở Việt Nam từ hơn 2.000 năm trước; các tộc người khác di cư tới sau, thậm chí mới vài ba trăm năm.

Cư dân nhóm ngôn ngữ Tày – Thái có trình độ kỹ thuật cao trong canh tác lúa nước với những việc dùng cày, thâm canh, làm thủy lợi... Một số nghề thủ công rất phát triển, đặc biệt là dệt vải.

Họ có thiết chế gia đình phụ hệ. Từ rất sớm đã xuất hiện hình thức tổ chức xã hội theo kiểu phong kiến sơ kỳ, như chế độ quằng (Tày), phìa tạo (Thái). Họ thờ cúng tổ tiên và chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo ở các mức độ khác nhau. Nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của họ ảnh hưởng không ít đến các dân tộc khác. Ở nhiều vùng, tiếng Tày hoặc tiếng Thái trở thành ngôn ngữ giao tiếp chung.

Trưng bày về các cư dân nhóm Tày – Thái được bố trí tập trung trong ngôi nhà sàn của người Thái Đen, dựng trong tầng 2 của tòa nhà “Trống đồng”. Văn hóa và cuộc sống của họ giới thiệu thông qua hệ thống hiện vật, ảnh thực địa và các bài viết, được diễn giải bằng 3 ngữ: Việt, Pháp và Anh. Ngoài ra, còn có các mô hình nhà ở thu nhỏ và các phim tư liệu dân tộc học. Trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng có các công trình của người Tày, Nùng.