Thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến có 6 dân tộc: Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La và Phù Lá, dân số hơn 58.000 người (2019). Một số ít có mặt ở miền núi Bắc Bộ từ rất sớm, còn phần lớn di cư tới từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Họ sống rải rác trong những xóm nhỏ trên vùng núi cao ở biên giới phía bắc. Bản làng ít có người dân tộc khác sống xen kẽ. Một bộ phận trước đây làm nương rẫy du canh và sống du cư. Một bộ phận khác, tiêu biểu là người Hà Nhì, giỏi khơi mương làm thủy lợi và canh tác lúa nước trên những tràn ruộng bậc thang, hoặc làm nương định canh và sống định cư.
Cả 6 dân tộc đều có thiết chế gia đình phụ hệ chặt chẽ. Một vài dân tộc tồn tại tập quán đặt tên con theo quy tắc "phụ tử liên danh". Chủ yếu họ ở nhà trệt, cũng có một số ở nhà sàn hoặc nhà nửa sàn nửa trệt. Tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng tổ tiên. Hằng năm, dân bản tổ chức chung lễ cúng thần Thổ địa. Người Lô Lô vẫn lưu giữ một vài dấu tích về chữ tượng hình và tập quán đánh trống đồng trong tang lễ.
Trưng bày về các dân tộc nhóm Tạng - Miến được bố trí ở tầng 2 của tòa "Trống đồng", có các hiện vật, nhất là những bộ trang phục sặc sỡ với những trang trí đáp vải, và ảnh thực địa; thông tin về hiện vật và các bài viết đều bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh. Ngoài ra, ở Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) có nhà tường trình Hà Nhì, tái dựng lại nơi cư trú của một gia đình ở huyện Bát Xát (Lào Cai).