Si La là một trong 5 dân tộc ở Việt Nam có dân số dưới 1.000 người và là một trong 6 dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (ngữ hệ Hán - Tạng). Năm 2019, có hơn 900 người Si La, sống chủ yếu ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Hoạt động kinh tế chủ đạo của người Si La là canh tác nương rẫy (lúa, ngô) nhưng gần đây họ cũng trồng lúa nước. Mặc dù nông nghiệp đóng vai trò chính, nhưng hái lượm và săn bắt cũng quan trọng.
Người Si La ở nhà trệt, bếp lửa được bố trí ở giữa nhà. Quan hệ dòng họ rất khăng khít. Trưởng tộc có trách nhiệm tổ chức các sinh hoạt chung của dòng họ. Trong hôn nhân, họ có tập tục làm lễ cưới hai lần, lần cưới sau cách lần đầu một năm. Tục nhuộm răng trước đây phổ biến ở cả nam và nữ, nhưng hiện nay nhiều người để răng trắng. Nữ phục Si La được trang trí khá cầu kì, trên vạt áo ngực gắn đầy những đồng xu bạc, xu nhôm. Khăn đội đầu nữ được phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân.
Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Si La gồm gùi đeo qua trán, mâm đan, bao đeo dao... được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian “Tạng - Miến” ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng.