Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một “sân khấu lớn" của các hoạt động trình diễn về văn hóa, là "cầu nối" giữa truyền thống và hiện đại, giữa các cộng đồng chủ thể văn hóa với công chúng.
Các chương trình trình diễn của cộng đồng tại Bảo tàng DTHVN luôn thu hút đông đảo công chúng. Hoạt động này thể hiện một tiếp cận mới - đề cao chủ thể văn hóa - và là một trong những thành công của Bảo tàng DTHVN được giới chuyên môn, giới truyền thông đánh giá cao và được nhân rộng.
Các trình diễn ở Bảo tàng DTHVN được xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng, do chính người dân - chủ thể văn hóa - thực hiện. Người trình diễn tự giới thiệu, thể hiện bản thân, được dùng chính tiếng nói của mình để giới thiệu về văn hóa, truyền thống của cộng đồng. Đây thực sự là những cơ hội để công chúng tiếp cận với kho tàng tri thức của các dân tộc, các địa phương khác nhau, gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với người trình diễn, với chủ nhân của những sưu tập trong bảo tàng. Công chúng còn được tham gia hoạt động, được chính người trình diễn hướng dẫn về kỹ thuật và mỹ thuật truyền thống... Hòa mình vào đời sống của người dân, người tham gia có sự đồng cảm với các cộng đồng, trân trọng di sản văn hóa của họ. Người trình diễn cũng từ đó tự hào hơn về truyền thống của cộng đồng mình.
Nhiều cộng đồng, nhiều nghệ nhân được mời đến trình diễn tại Bảo tàng DTHVN trong những thời gian khác nhau. Hàng loạt hoạt động trình diễn đa dạng đã được tổ chức: làm gốm của người Thái, Việt, Chăm; dệt nhuộm của người Lào, Thái, Cơtu, Việt, Hmông; đan lát của người Khơmú, La Ha; rèn đúc của người Nùng, Hmông, Việt; chế tác ngư cụ, chế biến thuốc nam của người Việt…
Ngoài ra, trong những chương trình thường niên của Bảo tàng tổ chức nhân các dịp Tết Nguyên đán, ngày quốc tế Thiếu nhi, Trung thu..., cũng có nhiều hoạt động trình diễn với sự tham gia của các nghệ nhân, các cộng đồng khác nhau.
Bảo tàng DTHVN nhận tổ chức các chương trình trình diễn nghề thủ công theo yêu cầu.