Dân tộc Mạ, còn được gọi là Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ, có các nhóm địa phương như: Mạ Ngăn, Mạ Xốp, Mạ Tô, Mạ Krung. Người Mạ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me, nằm trong ngữ hệ Nam Á. Họ có nguồn gốc từ vùng cao nguyên, sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và một phần ở tỉnh Đồng Nai. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Mạ có hơn 50.000 người. Họ thường dựng làng bản gần sông hoặc các dòng suối để thuận lợi cho sinh hoạt và canh tác.
Nương rẫy đóng vai trò chủ yếu trong đời sống của người Mạ. Ðây là loại rẫy đa canh. Ngoài lúa, người Mạ còn trồng các loại cây khác như ngô (bắp), bầu, bí, thuốc lá, bông. Ở vùng sông Ðồng Nai, người Mạ làm ruộng bằng cách lùa cả đàn trâu xuống ruộng để quần đất cho đến khi đất nhão thành bùn thì gieo lúa. Công cụ làm rẫy chủ yếu là rìu, xà gạc, dao, liềm, gậy chọc lỗ, gùi. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Mạ đã phát triển một số cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu và điều, giúp cải thiện đời sống kinh tế. Nghề đánh cá cũng khá phổ biến. Trước kia, họ biết chế thuốc độc từ lá rừng rồi bỏ xuống suối để bắt cá. Ngày nay, phương thức đánh bắt này đã bị hạn chế; thay vào đó, họ dùng lưới, vợt, đó... để đánh bắt cá nhằm không ảnh hưởng đến môi trường.
Đàn ông Mạ thường hút thuốc bằng tẩu (Bảo Lâm, Lâm Đồng, 2024) |
Nhà dài truyền thống của người Mạ (Bảo Lâm, Lâm Đồng, 2004) |
Làng là đơn vị tổ chức xã hội của người Mạ, trước đây do chủ làng đứng đầu (quăng bon). Chủ làng có nhiệm vụ cúng tế trong các nghi lễ mang tính cộng đồng. Ngày nay, có nhiều thay đổi, chủ làng đồng thời cũng là trưởng thôn và là người quán xuyến các công việc chung của thôn cùng với sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như các chi hội: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xã hội người Mạ.
Trong xã hội, người Mạ tồn tại hai hình thức gia đình: gia đình lớn phụ hệ và gia đình nhỏ phụ hệ. Người chủ gia đình lớn là người đàn ông cao tuổi nhất của thế hệ cao nhất trong gia tộc, có nhiệm vụ điều hành mọi công việc trong gia đình và trông coi các đồ dùng quý hiếm như chiêng, ché. Trong gia đình lớn phụ hệ, từng cặp vợ chồng và con cái ở chung nhưng làm ăn riêng. Tuy gia đình nhỏ phụ hệ như một đơn vị kinh tế cá thể song vẫn lưu giữ dấu vết của gia đình lớn phụ hệ.
Cộng đồng Mạ có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Họ cũng có hệ thống các già làng đứng đầu trong việc giải quyết tranh chấp và giữ gìn các phong tục, tập quán của dân tộc.
Trước đây, người Mạ thường ở nhà dài. Nhà được làm bằng nứa, bương, mai; hai mái lợp bằng lá mây; mái cửa ra vào (cửa mẹ) uốn khum thành vòm bằng cành trúc đội trên mái cỏ. Xung quanh nhà ở, họ dựng nhiều kho lúa trên sàn cao, đặc biệt là các cột nhà kho đều được đẽo trang trí theo mô típ chày cối. Ngày nay, người Mạ chủ yếu chuyển sang ở nhà trệt hoặc nhà xây giống như nhà của người Kinh.
Người Mạ cũng từng rất nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải. Trang phục truyền thống của họ thường được dệt bằng tay với hoa văn đơn giản nhưng mang đậm dấu ấn dân tộc. Phụ nữ mặc váy quấn dài quá bắp chân; áo chui đầu vừa sát, thân áo dài tới thắt lưng, kín tà. Nam giới đóng khố, áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước. Mùa lạnh, người già thường khoác thêm tấm mền. Người Mạ có tập quán cà răng, căng tai. Phụ nữ thích đeo chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc. Thanh niên mang nhiều vòng đồng ở cổ tay có ngấn khắc chìm giống như ký hiệu của các lễ hiến sinh tế thần linh, cầu mát cho chính mình. Ngày nay, hầu hết người Mạ đã thay đổi nhiều, họ chuyển sang sử dụng trang phục được mua sẵn ở các cửa hàng, chợ. Họ chủ yếu sử dụng trang phục truyền thống vào các dịp lễ tết, sinh hoạt cộng đồng.
Phong tục cưới hỏi của người Mạ khá đặc biệt, quyền chủ động hôn nhân thuộc về họ nhà trai. Tuy nhiên, sau lễ cưới, nếu nhà trai nộp đủ sính lễ thì đôi vợ chồng chỉ ở lại nhà gái 8 ngày, rồi về ở hẳn tại nhà trai; nếu không, chàng trai phải ở rể đến khi nộp đủ sính lễ thì mới được đưa vợ về nhà mình.
Người Mạ có nền văn hóa đặc sắc. Họ có hệ thống nhạc cụ đặc trưng gồm các loại cồng chiêng, sáo và đàn T’rưng vốn thường được sử dụng trong các dịp lễ hội và các sự kiện cộng đồng. Lễ hội truyền thống của người Mạ khá phong phú; trong đó, lễ mừng lúa mới là một trong những lễ hội quan trọng nhất nhằm tạ ơn các vị thần linh đã ban cho dân làng mùa màng bội thu. Trong văn hóa của người Mạ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các vị thần liên quan đến thiên nhiên (như thần núi, thần sông…) cũng rất phổ biến. Họ tin rằng thiên nhiên là nơi trú ngụ của các thần linh, có quyền quyết định cuộc sống và mùa màng của con người.
Người Mạ biểu diễn cồng chiêng trong Ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng DTHVN, 2004) |
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Mạ được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN