Dân tộc Chu-ru có 23.242 người (2019) và có các tên gọi khác như: Chơ Ru, Kru, Thượng. Họ sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng.
Người Chu-ru sống định cư, định canh trên cơ sở truyền thống nông nghiệp từ lâu đời. Họ canh tác hai loại ruộng: ruộng sình và ruộng khô, chú trọng làm thuỷ lợi bằng mương, phai, đê, đập; ngoài ra, còn có vườn trên rẫy và vườn gần nhà. Nghề thủ công gia đình phổ biến gồm có đan lát và làm gốm thô. Trước đây, trong đời sống hàng ngày, nam nữ Chu-ru đều thích hút thuốc lá sợi bằng tẩu.
Người Chu-ru theo chế độ mẫu hệ, thể hiện ở tục cưới chồng, con theo họ mẹ; trong gia đình, phụ nữ là người thừa kế, người vợ là chủ nhân ngôi nhà. Xã hội có sự phân hóa giàu, nghèo nhưng không có xung đột giữa hai tầng lớp ấy trong làng.
Theo chu kỳ canh tác ruộng nước trong một năm, người Chu-ru có nhiều nghi lễ như: cúng thần đập nước, thần mương nước, thần lúa khi gieo hạt, ăn mừng lúa mới… Ðáng lưu ý là lễ cúng thần bơnung vào tháng Hai âm lịch khi dân làng thường hiến sinh dê và lễ cúng Yang Wer, cây đại thụ ở gần làng, được coi là nơi ngự trị của các thần linh.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Chu-ru được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Nam Ðảo, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.