Ba-na là một trong những cư dân sinh sống lâu đời ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Dân tộc Ba-na có 286.910 người (2019). Họ còn có các tên gọi khác là Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông… Các nhóm địa phương bao gồm: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.
Ở trung tâm mỗi làng của người Ba-na đều có một nhà công cộng (rông) to, đẹp. Đây được coi là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, dân làng hội họp, tiến hành các nghi lễ theo phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách vào làng.
Trang phục người Ba-na có nhiều nét độc đáo. Nam giới mặc áo chui đầu, cổ xẻ, cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, mặc kèm với khố hình chữ T. Trong dịp lễ bỏ mả, họ thường búi tóc sau gáy và cắm một lông chim công, tay mang vòng đồng. Phụ nữ Ba-na mặc áo chui đầu, kết hợp với váy được làm từ một tấm vải đen quấn quanh thân. Họ ưa để tóc ngang vai, có khi búi và cài lược hoặc trâm bằng đồng, thiếc. Bên cạnh đó, bộ trang phục còn được tô điểm bằng các phụ kiện là chuỗi hạt cườm ở cổ và vòng tay bằng đồng xoắn ốc dài từ cổ đến khủy tay.
Kho tàng văn nghệ dân gian người Ba-na khá đa dạng với những làn điệu dân ca, điệu múa độc đáo trong các lễ hội. Nhạc cụ của người Ba-na khá phong phú, gồm: đàn t’rưng, klông pút, kơni; kèn tơ nốt, arơng, tơ tiếp... Đặc biệt, năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng Ba-na, đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Ba-na được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.