Ở Việt Nam, người Bru-Vân Kiều cư trú tập trung chủ yếu tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân tộc Bru-Vân Kiều có 94.598 người. Họ còn có tên gọi khác là Bru, Vân Kiều, chia thành 5 nhóm địa phương: Bru, Vân Kiều, Mang Cong, Trì và Khùa.
Trước đây, người Bru-Vân Kiều chủ yếu canh tác nương rẫy, chăn nuôi để tự cung tự cấp. Từ năm 2003, do tác động của các dự án thủy điện tại khu vực miền Trung, trong đó có thủy điện Rào Quán tại tỉnh Quảng Trị, một bộ phận người Bru-Vân Kiều đã thực hành các hoạt động sinh kế mới như chuyển sang làm ruộng nước, công nhân cho thủy điện này. Trong những năm gần đây, ngoài trồng trọt và chăn nuôi, người Bru-Vân Kiều, chủ yếu là những người trẻ tuổi, có sức khỏe, nhanh nhạy với nền kinh tế thị trường, còn làm thuê tại một số cơ sở thu mua và chế biến cà phê, trao đổi, buôn bán vùng biên giới Việt - Lào.
Người Bru-Vân Kiều thường cư trú trong các làng (vil). Trong quá khứ, vil thường nằm trên các triền sông hoặc cạnh suối dọc theo sông. Ở các thung lũng có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, nhà ở trong làng thường xếp thành hình tròn hoặc hình bầu dục, nhà cộng đồng nằm ở giữa làng. Mỗi vil có một bộ máy tổ chức điều hành và quản lý mọi sinh hoạt của cộng đồng do chủ làng (xuất vil) đứng đầu. Ngày nay, cộng đồng người Bru-Vân Kiều vận hành theo hệ thống chính trị cơ sở, trưởng thôn là người điều hành các hoạt động của cộng đồng và kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Chi hội Hội Cựu chiến binh, Chi hội Hội Phụ nữ, Chi đoàn Đoàn Thanh niên…
Văn hóa của người Bru-Vân Kiều có nhiều nét đặc sắc. Nhà truyền thống của họ là nhà sàn nhỏ gồm 3 gian, chia làm 2 phần, được ngăn cách bằng phên. Phần ngoài gồm 2 gian, trong đó gian giữa là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách. Phần trong (hay còn gọi là buồng) là nơi ngủ của vợ chồng, con cái, đồng thời là nơi đặt bếp. Ngày nay, nhà ở đã có sự biến đổi, tùy điều kiện kinh tế và địa hình cư trú để làm nhà sàn cách tân hay nhà trệt. Trong đó, xu hướng làm nhà trệt ngày càng trở nên phổ biến, thể hiện sự thích ứng của người dân với tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn vật liệu làm nhà sàn truyền thống.
Theo quan niệm của người Bru-Vân Kiều, dòng họ (mu) bao gồm những người cùng chung dòng máu (tính theo dòng cha), có quan hệ về tô tem. Mu của người Bru-Vân Kiều có tính cộng đồng cao, được thể hiện qua cách cư trú mật tập theo dòng họ, các hình thức tương trợ, tín ngưỡng tâm linh và những phong tục tập quán trong cưới xin, tang ma… Ở người Bru-Vân Kiều, hôn nhân ngoại tộc là nguyên tắc có tính bắt buộc, dòng họ là một đơn vị ngoại hôn tuyệt đối, luật tục không cho phép những người cùng một mu lấy nhau; nếu vi phạm, có thể bị coi là loạn luân. Ngày nay, dân số của từng dòng họ ngày càng tăng lên: từ một dòng họ gốc, có thể được tách thành hai, ba dòng họ nhỏ nên trên thực tế, nguyên tắc ngoại hôn dòng họ không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như trước và xu hướng hôn nhân hỗn hợp dân tộc ngày càng tăng.
Trước đây, người Bru-Vân Kiều không trồng bông, dệt vải nên họ sử dụng vỏ cây (a mưng) có sẵn trong tự nhiên để làm trang phục. Sau này, họ mua vải để tự may trang phục; nam giới thường đóng khố, có thêm khăn đội đầu; nữ giới mặc áo không tay, cổ được khoét tròn hoặc vuông, váy (xấn) là một tấm vải quấn quanh thân rồi dùng dây vải buộc chặt. Theo truyền thống, cả đàn ông và đàn bà người Bru-Vân Kiều đều búi tóc. Ngày nay, trong xu thế hội nhập, trang phục ngày thường của người lớn cũng như trẻ em hay trang phục của cô dâu, chú rể trong đám cưới hoàn toàn mặc theo người Kinh. Chỉ có những phụ nữ lớn tuổi thì vẫn mặc chiếc váy Lào kết hợp với các loại áo may sẵn trên thị trường.
Người Bru-Vân Kiều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Với quan niệm vạn vật hữu linh, họ thờ nhiều vị thần như: thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất, thần sông nước... nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt, thần lúa được sùng bái ở vị trí cao nhất, thể hiện trong nhiều lễ thức quan trọng.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Bru-Vân Kiều được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).
Người viết: Võ Thị Mai Phương
Ảnh: BTDTHVN