Dân tộc Chăm, còn gọi là Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời...; có các nhóm địa phương: Chăm Hroi, Chăm Poổng, Chà Và Ku, Chăm Châu Ðốc. Người Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai -Đa Đảo (ngữ hệ Nam Ðảo), với hơn 178.000 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019). Hiện tại, người Chăm gồm có các bộ phận chính: i) bộ phận cư trú ở Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu theo đạo Bàlamôn; một nhóm nhỏ người Chăm theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bàni; ii) bộ phận cư trú ở các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới; và iii) tại miền tây ở hai tỉnh Bình Định, Phú Yên, còn có nhóm Chăm miền núi - Chăm Hroi. Tôn giáo chi phối sâu sắc đời sống người Chăm.
Người Chăm có lịch sử cư trú lâu đời ở đồng bằng ven biển miền Trung, đã lập nên nhà nước Chăm Pa (Lâm Ấp, Chiêm Thành) phát triển rực rỡ từ cuối thế kỷ II. Dân tộc này đã từng có những đội hải thuyền thiện chiến và thương thuyền hoạt động trên biển Đông. Họ là cư dân có truyền thống nông nghiệp lúa nước với kỹ thuật làm thủy lợi từ rất sớm: đào mương, đắp đập, làm hồ chứa nước trên núi. Họ cũng có nhiều kinh nghiệm đánh bắt thủy sản. Nghề thủ công của người Chăm phát triển, nổi tiếng là dệt vải, làm gốm nung lộ thiên. Hoạt động thương mại khá phát triển, phổ biến cả ở thành thị và nông thôn.
Làng là đơn vị xã hội cơ bản của người Chăm. Hệ thống luật tục của dân tộc cùng với thiết chế xã hội làng và hội đồng chức sắc vẫn có tác động lớn đến đời sống cộng đồng người Chăm. Tùy thuộc vào tôn giáo mà các làng có cấu trúc truyền thống khác nhau nhưng đều được xây dựng trên nền tảng thần quyền tôn giáo. Gia đình người Chăm theo truyền thống mẫu hệ đậm nét ở vùng miền Trung. Người Chăm theo đạo Hồi chịu sự chi phối của giáo lý tôn giáo nên họ đề cao vai trò của nam giới. Do ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, xã hội Chăm trước kia đã có sự phân hoá đẳng cấp.
Trong hôn nhân, người Chăm thường kết hôn với những người đồng tộc, đồng tôn giáo và quan hệ hôn nhân là thiết chế theo dòng mẹ. Với cộng đồng Hồi giáo, nhà trai nhờ cậy ông bà mai đi qua nhà gái bàn bạc, trao đổi và tổ chức đi hỏi vợ nhưng sau lễ tại thánh đường, chú rể được đưa đến nhà gái ở rể và sinh sống ở đó một thời gian, dài hay ngắn là tùy theo thỏa thuận của hai bên gia đình. Ở cộng đồng Bàlamôn, quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái. Sau lễ cưới, chàng trai sẽ ở rể tại nhà vợ.
Người Chăm cư trú tại Ninh Thuận, Bình Thuận ở nhà trệt. Mỗi gia đình có những ngôi nhà được xây cất gần nhau, gồm: nhà khách, nhà của cha mẹ và các con nhỏ tuổi, nhà của các cô gái đã lập gia đình, nhà của người có chức sắc, nhà bếp. Vật liệu làm nhà chủ yếu là gỗ, tre, đá kê chân cột, mái lợp ngói hoặc lá. Người Chăm cư trú ở Nam Bộ ở nhà sàn, thưng ván gỗ, mái lợp ngói hoặc lá. Trong nhà được chia thành các gian như: gian tiếp khách, phòng ngủ của các thành viên, không gian phụ để sinh hoạt như tắm giặt, bếp… Hiện nay, đa số người Chăm ở nhà gạch được xây theo kiến trúc hiện đại.
Sự khác biệt về tôn giáo cũng tạo nên những khác biệt trong ẩm thực của người Chăm. Người Chăm Bàlamôn có tỷ lệ tôm cá cao trong bữa ăn, không ăn thịt bò, khẩu phần ăn được chia thành từng đĩa; người Chăm Hồi giáo và Bàni sử dụng nhiều thịt và các chế phẩm từ thịt, trừ thịt lợn, bố trí bữa ăn theo mâm.
Trang phục truyền thống của người Chăm Bàlamôn và Bàni tương đối giống nhau về kiểu dáng nhưng khác nhau về chi tiết: nam giới mặc xà rông với áo ngắn hoặc áo dài; phụ nữ mặc váy với áo ngắn hoặc dài. Nam đội khăn trắng, nữ đội khăn dài hơn và có nhiều màu. Người Chăm Hồi giáo có trang phục tương đối giống cư dân các nước Hồi giáo trên thế giới. Nam vận áo cánh và xà rông. Áo có cổ nhỏ, ve cổ viền cứng, xẻ cúc giữa ngực, xẻ tà hai bên hông. Nam giới luôn đội mũ kepih trên đầu. Trong các dịp lễ hội quan trọng, nam giới mặc áo màu trắng dài đến gót chân và xà rông trắng, có thể choàng thêm chiếc khăn trắng dài, trên đầu đội vòng (hoặc thắt dây) ykal. Nữ giới cũng mặc xà rông và áo chui đầu dài, không xẻ tà, luôn quấn khăn mardrah thêu nhiều hoa văn đa dạng, che kín tóc trên đầu.
Người Chăm Hồi giáo có những lễ hội gắn bó chặt chẽ với tôn giáo như dịp trọng lễ Ramadan, tháng hành hương về thánh địa Mecca-Haji… Cộng đồng người Chăm ở miền Trung có lễ hội Kate, Chabun, lễ Ramưwan, Rija Nưgar…
Người Chăm theo Hồi giáo hành lễ tại thánh đường (An Phú, An Giang, 1997)
Các loại hình văn học dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, âm nhạc của người Chăm mang một phong cách riêng biệt, độc đáo. Đặc biệt, họ có hệ thống đền tháp có kiến trúc với các điêu khắc trang trí và kỹ thuật xây dựng không mạch vữa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, in đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa. Đa số mặt bằng đền tháp là hình vuông, cửa mở về hướng đông, có các điêu khắc hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Tháp Poklong Garai, một trong những công trình kiến trúc Chăm Pa nổi tiếng, đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2006.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học học Việt Nam, hiện vật của người Chăm được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh). Ngoài ra, tại Vườn Kiến trúc (trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng, công chúng có thể khám phá khuôn viên nhà người Chăm của một gia đình quý tộc Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận.
Người viết: Vũ Thị Thanh Tâm
Ảnh: BTDTHVN