Người Cơ-ho là một trong những cư dân bản địa ở khu vực nam Tây Nguyên, bao gồm các nhóm địa phương như: Srê, Lat, Chil, Nôp... Với dân số hơn 166.000 người (2009), họ cư trú chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng, một bộ phận nhỏ ở miền núi các tỉnh kề cận: Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà. Trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á), người Cơ-ho có quan hệ gần gũi hơn về tiếng nói và văn hoá với người Mạ, Mnông, Xtiêng và Chơ-ro.
Nguồn sống chính của đa số người Cơ-ho là nông nghiệp nương rẫy. Xưa kia, rẫy được trồng một vụ rồi bỏ hoá, ít nhất 10 năm sau mới canh tác trở lại. Nhóm Srê và một số làng người Nôp từ lâu đời đã làm cả ruộng nước, gồm ruộng cao và ruộng trũng, với kỹ thuật tương tự như cách làm ruộng của người Chăm: dùng từng đôi trâu làm sức kéo khi cày và bừa, gieo sạ thóc giống thay vì cấy mạ...
Theo nếp cổ truyền, đàn ông Cơ-ho đóng khố, ở trần, còn phụ nữ quấn váy, mặc áo chui đầu và không có ống tay. Khi trời lạnh, mọi người choàng tấm chăn vải; trong lễ hội, họ quấn khăn quanh đầu. Đồ trang sức có nhiều loại: hoa tai, khuyên tai, vòng tay, vòng chân, vòng cổ. Tập quán ăn trầu khá phổ biến, nhất là ở nhóm Nôp. Nam nữ Cơ-ho đều hút thuốc lá, nhưng chỉ nam giới dùng tẩu, làm bằng tre hay tẩu gỗ. Rượu cần là thức uống phải có trong các lễ cúng, tang ma, cưới hỏi và cả khi tiếp khách quý.
Tập tục mẫu hệ được bảo tồn đậm nét trong xã hội Cơ-ho. Theo đó, con mang họ mẹ, dòng họ bao gồm những người chung một huyết thống theo dòng mẹ. Trong gia đình, vai trò bà chủ nhà được đề cao, tài sản thừa kế thuộc về các con gái. Trong hôn nhân, bên gái được quyền chủ động, nhà gái phải lo đồ sính lễ cưới chồng cho con. Đôi tân hôn ở bên gia đình chồng trong khoảng một tuần đến vài tháng, sau đó, chuyển đến cư trú bên nhà vợ. Họ được bố trí một buồng trong ngôi nhà sàn dài của gia đình đằng vợ. Ngày nay, thường sau vài năm sống chung với gia đình vợ, họ tách ra ở riêng.
Người Cơ-ho quan niệm Nđu ở trên trời là vị thần khai sáng thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều thần linh khác: thần đất, thần sấm sét, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần mưa, thần núi, thần rừng, thần nước, thần nhà, thần bảo hộ làng, thần lúa hay hồn lúa... Cuộc sống của họ gắn liền với rất nhiều lễ cúng, trong đó có những nghi lễ cầu mùa được thực hiện trong mỗi chu kỳ canh tác lúa rẫy và lúa ruộng.
Trong trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Cơ-ho: nhạc cụ, khố, gùi, đồ dùng trong ăn uống, được giới thiệu trong không gian "Môn – Khơ-me Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".