Người Gié - Triêng thuộc số cư dân sinh sống từ rất lâu đời ở Bắc Tây Nguyên và Nam Lào. Ở Việt Nam, họ có gần 51.000 người (2009), cư trú ở tỉnh Kon Tum và miền núi tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng Gié - Triêng có 4 nhóm địa phương: Gié, Triêng (T'riêng), Ve và Bnoong, mỗi nhóm có một số nét riêng bên cạnh những yếu tố chung về văn hoá và ngôn ngữ. Ở Lào, Triêng và Gié (Taliêng, Lavi) được coi là hai dân tộc, cư trú ở tỉnh Sekong và tỉnh Attapeu. Ngôn ngữ Gié - Triêng được xếp vào nhóm Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á).
Cư dân Gié - Triêng trồng trọt chủ yếu trên rẫy, mỗi năm một vụ, đa canh và xen canh: cùng với lúa có ngô, khoai môn, khoai lang, sắn, bầu, bí... Trong cuộc sống nặng tính tự cấp tự túc trước đây, những sản phẩm khai thác từ tự nhiên (các loại động thực vật trong rừng và dưới sông suối) cũng có ý nghĩa kinh tế quan trọng. Vật nuôi chỉ dùng cho các lễ cúng và để đổi lấy những thứ thiết yếu cho gia đình. Phụ nữ dệt vải bằng sợi bông tự xe và nhuộm chàm. Đàn ông đan các loại gùi và nhiều vật dụng khác. Ở Đắc Pét (Kon Tum) trước kia có nghề làm gốm theo phương pháp nặn tay (không dùng bàn xoay) và nung lộ thiên, cung cấp đồ dùng cho cả những tộc người khác trong vùng. Một số nơi có nghề đãi vàng sa khoáng để bán cho thương nhân từ nơi khác tới.
Làng thường không lớn, sau 1975, đôi nơi ở vùng người Bnoong và người Gié vẫn thấy kiểu nhà sàn dài cổ truyền, cả làng chỉ ở trong một vài ngôi nhà. Ngày nay hình thức nhà trệt nhỏ đã trở nên phổ biến. Theo nếp xưa, trừ nhóm Bnoong ở miền núi Quảng Nam, các nhóm còn lại đều có tập quán dựng nhà rông - ngôi nhà cộng cộng của làng. Tuỳ nơi, ngôi nhà này được gọi là moong hay âng.
Tập tục "song hệ" tồn tại trong cộng đồng Gié - Triêng, theo đó, con trai mang họ của bố, con gái mang họ của mẹ. Mỗi dòng họ có truyền thuyết kể về cội nguồn xa xưa và cũng nhằm giải thích về tên gọi dòng họ cùng những kiêng cữ liên quan. Sau lễ cưới, đôi tân hôn thường ở với gia đình cô dâu vài ba năm, rồi chuyển sang gia đình chú rể. Họ cư trú luân chuyển cho tới khi cha mẹ một bên qua đời thì họ ở hẳn với gia đình bên còn lại.
Trên cơ sở tín niệm vạn vật hữu linh, dân làng chú trọng các lễ cúng, điềm báo và kiêng cữ. Rất nhiều lễ tục được thực hiện trong mỗi mùa rẫy, mỗi đời người, mỗi gia đình, mỗi làng. Nghi lễ thường gắn liền với hiến sinh, lớn nhất là hiến sinh trâu cho "thần lúa", "thần sấm sét"... Thuở xưa, họ còn dùng cả máu người để tế "thần linh" trong một số lễ cúng đặc biệt của làng.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật Gié - Triêng: ché, vòng tay, gùi, nhất là những chiếc gùi chế tác công phu với những hoạ tiết trang trí tinh xảo, được giới thiệu trong không gian "Môn – Khơ-me Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".