Với dân số hơn 127.000 người (2009), dân tộc Hrê chỉ phân bố ở Việt Nam, đại bộ phận cư trú từ lâu đời ở miền núi hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Trong nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á), tiếng Hrê có quan hệ gần gũi hơn với tiếng nói của các tộc người ở Bắc Tây Nguyên như Xơ-đăng, Ba-na...
Người Hrê vừa làm rẫy, vừa làm ruộng, nhưng lúa nước có vai trò kinh tế quan trọng hơn. Trong canh tác ruộng nước, họ chịu ảnh hưởng của người Việt (và trước đó là người Chăm) - những cư dân vùng đồng bằng kề cận: làm đất bằng cày và bừa với đôi trâu kéo, gieo mạ, cấy lúa... Còn cách thức làm rẫy của họ thì tương tự như những cư dân Trường Sơn – Tây Nguyên khác. Trong các nghề thủ công, chỉ có dệt vải và đan lát là phát triển, để tự túc y phục và vật dụng trong gia đình.
Nhà sàn của người Hrê có vách dựng nghiêng ra phía ngoài, tạo dáng "thượng thách hạ thu". Hai đầu hồi nhà đều có sàn, thông với không gian bên trong nhà bằng cửa ra vào; trên mỗi đầu nóc đều có "sừng nhà" là hai đoạn tre từ rìa mái nhô lên và bắt chéo nhau.
Tính "song hệ", bước trung gian giữa chế độ mẫu hệ và phụ hệ, thể hiện trong các lĩnh vực dòng họ, gia đình và hôn nhân. Nay thường thấy người Hrê mang họ Đinh, Phạm, Nguyễn... và con theo họ của cha, nhưng thực ra dân tộc này vốn không có tên họ kèm với tên cá nhân. Phần đông các cặp vợ chồng ở riêng sau khi đã có con đầu lòng; con út thường sống chung với cha mẹ để phung dưỡng và do đó được hưởng gia tài nhiều hơn các anh chị.
Người Hrê tin rằng có rất nhiều thế lực siêu nhiên liên quan đến cuộc sống của họ. Đó là "ma người chết" (kiêk chok), "hồn" người sống (mhua), thần lúa (yang sri), thần bếp lửa, thần nước... Vì vậy, họ coi trọng điềm báo, xem bói, thực hiện nhiều kiêng cữ, tổ chức các lễ cúng, lớn nhất là lễ cúng có hiến sinh trâu.
Cũng như các tộc người bản địa khác ở Trường Sơn – Tây Nguyên, âm nhạc cồng chiêng rất quan trọng với người Hrê, nhưng họ quý chiêng (không núm) hơn cồng và tấu cồng chiêng không chỉ trong nghi lễ, mà cả lúc vui chơi. Họ còn có nhiều loại nhạc cụ tự làm bằng tre nứa và vỏ bầu, như: đàn brook, ống tiêu talía, đàn môi pơpel, nhị rađang, "chiêng tre" ching kala... Những điệu dân ca kalêu, kachoi (hát đối đáp nam nữ) cũng là những di sản đặc sắc của người Hrê.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Hrê được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian "Môn – Khơ-me Trường Sơn – Tây Nguyên", ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng".