Dân tộc Khơ-me có hơn 1.319.000 người (2019), sống chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghề nông chi phối toàn bộ đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng.
Quan hệ dòng họ và hệ thống thân tộc Khơ-me ngày càng biểu hiện tính phụ hệ, nhưng tàn dư mẫu hệ vẫn còn khá rõ. Gia đình nhỏ, dòng họ, xóm làng (phum sóc) là nền tảng của xã hội cổ truyền. Văn hoá Khơ-me thể hiện sự kết tinh của ba yếu tố: nổi bật là Phật giáo Tiểu thừa (Theravada), tiếp đến là Bàlamôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Các Phật thoại, truyện cổ, nghi lễ, huấn ca… được ghi chép trên lá buông (xatra) - một loại di sản đặc sắc.
Văn hoá Khơ-me là sự tiếp nối di sản rực rỡ của văn hoá Óc Eo (thế kỷ II-VII) và là chủ thể ở đồng bằng sông Cửu Long cho đến trước thế kỷ XVII. Lễ hội đua ghe ngo, dân vũ, các hình thức sân khấu như dù kê (lakhon bassac), rôbăm và dì kê là những sinh hoạt văn hóa nổi tiếng. Sự cộng cư giữa người Khơ-me với người Việt, Hoa và Chăm đã tạo nên vùng văn hoá Nam Bộ giàu bản sắc.
Trong trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, phần giới thiệu về người Khơ-me được bố trí trong cùng không gian với người Chăm và người Hoa, ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Hiện vật rất phong phú, gồm nhiều loại nông cụ đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ (nọc cấy, vằng gặt lúa, dao phát cỏ...), đồ gia dụng (vỏ dừa ủ ấm trà, dụng cụ nạo dừa, bình vôi...), các hộp dùng để đựng tro hài cốt, tượng chim thần Garuda, sách lá buông, đồ vải tơ tằm với họa tíêt thực hiện theo kỹ thuật ikat - sản phẩm nổi tiếng của phụ nữ Khơ-me... Các bức ảnh thực địa minh hoạ sống động cuộc sống của người địa phương. Ngoài ra, trong Vườn Kiến trúc (khu trưng bày ngoài trời) còn có chiếc ghe đua (tuk ngo) dài hơn 25 m, được đưa về từ Sóc Trăng năm 2008. Tất cả các bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).