Ở Việt Nam chỉ có hơn 1.600 người Ngái (2019), nhưng họ có mặt tại nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh... Dân tộc này gồm nhiều nhóm địa phương: Ngái Hắc Cá, Ngái Lều Mền, Hẹ, Sín, Đản, Lê, Xuyến. Tiếng nói của họ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).
Người Ngái thường cư trú thành từng xóm nhỏ, cả trên đất liền và hải đảo. Họ ở nhà trệt, phổ biến là 3 gian 2 chái. Bộ phận ở ven biển và hải đảo thường sống trên thuyền. Y phục truyền thống thường không có trang trí; nam giới mặc quần kiểu lá tọa, áo có 2 hoặc 3 túi; phụ nữ mặc áo 5 thân dài quá mông, cài khuy vải bên nách phải.
Bộ phận sống trong nội địa canh tác lúa nước là chính; ngoài ra, họ còn trồng nhiều loại cây hoa màu, chăn nuôi… Bộ phận ở ven biển và hải đảo chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Những nghề thủ công của người Ngái thường được biết tới là làm mành trúc, dệt chiếu, nghề mộc, rèn, làm gạch ngói... Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nghề làm giày dép của họ khá phát đạt, một số doanh nghiệp có tiếng trong ngành giày dép, cao su.
Gia đình người Ngái là gia đình nhỏ phụ quyền. Người chồng quyết định mọi việc lớn, con trai được coi trọng, con gái không được chia gia tài. Trong dòng họ, trưởng tộc được đề cao và có vai trò quan trọng. Những người cùng dòng họ có thể nhận ra nhau và phân biệt các chi qua hệ tên đệm. Ông cậu có vai trò quan trọng, như cha của các chị em gái trong gia đình. Khi các chị/em gái sinh con, đứa trẻ được cậu đặt tên. Theo tập tục, sau khi sinh con 60 ngày (con đầu) hay 40 ngày (con thứ), sản phụ mới được về nhà mẹ đẻ. Đối với người chết, sau khi mai táng, tang gia làm lễ cúng vào các dịp 21 ngày, 35 ngày, 42 ngày, 49 ngày, 63 ngày, 70 ngày, được 3 năm thì làm lễ đoạn tang.
Người Ngái có nhiều lễ tết: Nguyên đán (Tết Năm mới), Hàn thực (3/3), Ðoan ngọ (5/5), Vu lan (15/7), cơm mới (10/10). Di sản văn nghệ dân gian của họ chủ yếu là dân ca, dân vũ và văn học truyền miệng. Lối hát giao duyên nam nữ trước kia phổ biến. Cùng với múa sư tử và múa gậy, các trò chơi dân gian rất phong phú.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Ngái được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Hán, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.