Ơ-đu là dân tộc ít người nhất Việt Nam. Năm 2019, chỉ có 428 người Ơđu, cư trú chủ yếu ở miền núi Nghệ An. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Môn - Khơ-me (ngữ hệ Nam Á). Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả trong cộng đồng, họ chủ yếu sử dụng tiếng Thái hoặc tiếng Khơ-mú, rất ít người còn biết tiếng Ơ-đu.
Hoạt động kinh tế chủ yếu của người Ơ-đu là canh tác nương rẫy, với các loại cây lương thực chính là lúa, ngô, sắn... Hái lượm, săn bắt có vị trí quan trọng trong đời sống. Hàng năm, khi xuất hiện tiếng sấm đầu mùa, các bản thường tổ chức lễ hội đón mừng. Người Ơ-đu ở nhà sàn, sống theo gia đình nhỏ. Trong hôn nhân có tục ở rể, sau một thời gian, người đàn ông mới đưa vợ con về nhà mình.
Trong trưng bày thường xuyên ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Ơ-đu gồm giỏ cá, giỏ tra hạt, ống đựng tiền... được giới thiệu cùng với hiện vật của các dân tộc khác trong không gian “Môn - Khơ-me miền Bắc” ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng.