Dân tộc Ra-glai có 146.613 người (2019), cư trú chủ yếu ở vùng núi của hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. Ngoài ra, một số ít cư trú rải rác tại các địa phương của tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng.
Người Ra-glai cho rằng, có một thế giới thần linh tồn tại ngoài hiểu biết của họ; trong đó, vong linh người chết là lực lượng siêu nhiên khiến họ sợ hãi nhất. Với niềm tin rằng nếu các vị thần được cúng tế, họ có thể trợ giúp con người hoặc bớt gây họa nên hàng năm, người Ra-glai thường tổ chức nhiều nghi lễ do thầy cúng thực hiện cùng với việc hiến tế để mong được thần linh giúp đỡ, che chở.
Người Ra-glai có kho tàng truyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ, ca dao, những làn điệu dân ca... thể hiện tâm tư, tình cảm của tộc người. Nhạc cụ phổ biến của người Ra-glai gồm: khèn bầu, khèn môi, đàn ống tre; ngoài ra, còn có bộ chiêng đồng gồm 12 chiếc. Người Ra-glai cũng là cư dân biết sử dụng những thanh đá kêu, ghép thành bộ thường gọi là đàn đá, đánh thay chiêng, khá độc đáo và lý thú.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Ra-glai được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Nam Ðảo, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.