Ta-ôi là cư dân bản địa ở miền Trung Đông Dương, phân bố ở Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam có ba nhóm địa phương: Pa-cô, Ta-ôi và Bahi; tổng số 44.000 người (2009), sinh sống ở miền núi Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Các dân tộc Ta-ôi, Cơ-tu và Bru - Vân Kiều gần gũi nhau về văn hóa; ngôn ngữ của họ được xếp vào phân nhóm Katuic trong nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me (ngữ hệ Nam Á).
Kinh tế rẫy là nguồn sống chính của các gia đình. Cách thức canh tác tương tự như ở nhiều cư dân khác: phát – đốt – chọc lỗ tra hạt – tuốt lúa bằng tay. Rẫy thuộc loại du canh, trên đó xen canh nhiều loại cây trồng; mỗi năm có một vụ vào mùa mưa (tháng 4 – 11). Từ khoảng năm 1968 có thêm vụ rẫy chiêm (tháng 2 – 7). Vật nuôi phổ biến là gà, lợn, chó, dê, trâu, những năm gần đây phát triển nuôi bò. Hái lượm, săn bắt có ý nghĩa đáng kể với đời sống của các gia đình. Trong trao đổi hàng hóa với bên ngoài, quan hệ với vùng đồng bằng và với cư dân bên Lào có vai trò nổi bật.
Y phục truyền thống có màu chàm thẫm, với trang trí dùng nhiều màu đỏ. Phụ nữ mặc áo chui đầu (ít khi có ống tay), váy và thắt lưng vải; nam giới trước đây mặc khố và áo chui đầu. Khi trời lạnh họ sử dụng thêm tấm choàng, chủ yếu là màu đỏ. Cả nam và nữ trước đây sử dụng nhiều trang sức: vòng kim loại đeo tay và chân, chuỗi hạt mã não và chuỗi cườm đeo cổ, hoa tai cỡ lớn (bằng xương hoặc ngà voi). Cùng với tập quán "căng tai", xưa kia việc cà răng và xăm mặt cũng thịnh hành.
Nhà sàn dài truyền thống có mái uốn khum ở hai đầu hồi; hai thanh gỗ tạc hình chim cu nhô lên trên mỗi đầu nóc. Nhóm Bahi từ khá lâu đã ở nhà trệt. Nhà rông (nhà công cộng của làng) chỉ tồn tại ở nhóm Taôi và một số làng của nhóm Pa-cô, nhưng nay không còn.
Những tập tục về dòng họ, hôn nhân và gia đình tương tự như ở hai dân tộc Cơ-tu và Bru - Vân Kiều. Đặc điểm của xã hội phụ hệ đã rõ nét. Theo nếp truyền thống, quy định về quan hệ hôn nhân một chiều giữa các dòng họ (yă) được thực hiện nghiêm ngặt và hình thức kết hôn giữa con trai của chị/em gái với con gái của anh/em trai được khuyến khích.
Với người sống, vía của mỗi người ký thác vào một cái bát, đặt trên "bàn thờ" chung của các thành viên trong nhà. Với người quá cố, sau lễ cải táng, ma cũng được thờ trong nhà, nhưng ở vị trí khác. Lễ cải táng là lễ hội lớn, thường 5-7 năm tổ chức một lần chung cho cả làng.
Dân làng cho rằng trong tự nhiên có rất nhiều "thần linh" (yang), có cả "thần đất làng" (yang sự), "thần của cải" (yang panuôl)... Liên quan đến "thần lúa" (yang sro), có hai lễ cúng quan trọng nhất, tổ chức khi lúa mọc cao bằng khoảng ngón tay, để cầu lúa tốt, và khi thu hoạch, nhằm cầu được nhiều thóc, đồng thời tạ ơn thần lúa.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của Ta-ôi, gùi, ống đựng tên, y phục, nhạc cụ, trang sức..., được giới thiệu theo các chủ đề cùng với hiện vật của những dân tộc khác, trong không gian "Môn - Khơ-me Trường Sơn - Tây Nguyên" ở tầng 2 của toà "Trống đồng". Tất cả các bài viết và thông tin về hiện vật, về ảnh thực địa, đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).