Dân tộc Kinh (Việt) thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (ngữ hệ Nam Á), có dân số 82.085.826 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019), chiếm 85,3% dân số toàn quốc, sinh sống trên khắp cả nước, nhưng tập trung đông ở vùng đồng bằng, trung du và ven biển. Hình thức nhà nước đầu tiên của người Việt cổ xuất hiện từ khoảng đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Người Việt luôn là trung tâm liên kết các dân tộc anh em trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Người Việt phát triển kinh tế nông nghiệp lúa nước từ rất sớm và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Để điều tiết nước, họ xây dựng nhiều công trình thủy lợi khá công phu, trong đó hệ thống đê điều là một minh chứng cho tinh thần chế ngự thiên nhiên phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá... rất phát triển. Ðặc biệt, con trâu trở thành “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Nghề thủ công ở người Việt cũng rất phát triển. Họ có “bách nghệ” (trăm nghề) và nhiều nghề đạt đến đỉnh cao của sự khéo léo tài hoa, như: gốm sứ, dệt, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu, mây tre đan, đồng... Một số làng nghề thủ công đã tách khỏi nông nghiệp. Chợ làng, chợ phiên, chợ huyện... rất sầm uất. Hiện nay, kinh tế của người Việt phát triển mạnh trong tất cả các ngành, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Kinh tế của họ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia.
Ở nông thôn, làng (nay gọi là thôn) là đơn vị cư trú cơ bản, là nơi sản xuất nông phẩm, làm thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Làng thường có đình thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật, đền thờ Thánh và các danh nhân văn hoá, lịch sử. Làng là môi trường duy trì cơ cấu xã hội và văn hoá truyền thống Việt. Đô thị xuất hiện sớm và phát triển thành các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá. Hiện nay, người Việt có xu hướng sống tập trung ở khu vực thành thị và các khu công nghiệp với lối sống đô thị. Ở các cộng đồng người Việt, việc quản lý các thôn (ở nông thôn) và các tổ dân phố (ở thành thị) được vận hành theo cơ cấu tổ chức hành chính hiện hành với sự đứng đầu của Trưởng thôn (ở nông thôn) hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố (ở thành thị) phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở (Chi hội Hội nông dân, Chi hội Hội phụ nữ, Chi đoàn Đoàn thanh niên, Chi hội Hội người cao tuổi…).
Trước đây, người Việt thường ở nhà trệt, được bố trí theo mô hình nhà - sân - vườn - ao. Nhà truyền thống có bố cục gian lẻ (1, 3, 5 hay 7 gian) cùng với hai chái, ít nhà có số gian chẵn. Nhà thường làm hướng nam, có nhiều cửa, mái thấp, có hiên nhà, được tạo thành bởi bộ cột, vì kèo. Khi làm nhà, ngoài việc xem tuổi, chọn hướng, người ta còn phải định ngày giờ tốt để khởi công, cất thượng lương, về nhà mới… Người Việt hiện nay chủ yếu ở trong các ngôi nhà xây mái bằng, nhà tầng hiện đại.
Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Họ cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết trong năm. Ngoài ra, nhiều gia đình còn thờ thổ công, táo quân, ông địa... Người Việt theo một số tôn giáo như: Đạo Mẫu, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…
Dòng họ có vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt, là chỗ dựa vững chắc của mỗi thành viên, giáo dục ý thức về cội nguồn, tình đoàn kết, chia sẻ tình cảm, gắn kết tâm linh… Dòng họ của người Việt được tổ chức theo nguyên tắc trưởng – đích và cửu tộc (9 đời). Trưởng họ có trách nhiệm trông nom nhà thờ họ, tổ chức giỗ tổ, chủ trì các nghi lễ lớn trong dòng họ, biên soạn gia phả, kết nối họ mạc…
Hôn nhân trước đây của người Việt thường là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; ngày nay, nam nữ tự do yêu đương và tìm hiểu nhau. Nghi lễ cưới xin trải qua các bước cơ bản: dạm, hỏi, cưới, lại mặt. Ma chay được tổ chức rất trang nghiêm, chu tất không chỉ trong đám tang mà còn trong các lễ cúng sau khi mất như cúng 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải tang… Vào các dịp giỗ, thanh minh, lễ, tết, các gia đình đi thăm mộ, cúng lễ.
Người Việt vừa tiếp thu những yếu tố văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây, vừa bảo tồn, phát triển tiếng nói và những tinh hoa văn hoá của dân tộc. Chữ Hán, Nôm và chữ quốc ngữ lần lượt giữ vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển quốc gia. Thời Lý, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng, trở thành nơi đào tạo các trí thức bậc cao, được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn học dân gian của người Việt rất phong phú về thể loại: truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ..., phản ánh mọi mặt cuộc sống của dân tộc. Các bộ môn nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu... phát triển cao, được chuyên nghiệp hoá.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học học Việt Nam, hiện vật của người Việt được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường ở tầng 1 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh). Ngoài ra, tại Vườn Kiến trúc (trưng bày ngoài trời) của Bảo tàng, công chúng có thể khám phá nhà Việt và khuôn viên nhà người Việt với kết cấu bằng gỗ được chạm trổ tinh xảo. Ngôi nhà này được đưa về từ xã Thọ Lộc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, trong đó, gian nhà chính đã hơn 100 năm tuổi.
Người viết: Vũ Thị Thanh Tâm
Ảnh: BTDTHVN