Dân tộc Xơ-đăng có 5 nhóm địa phương: Cadong, Tơđrá, Mnâm, Halăng, Xơteng, với tổng dân số hơn 169.000 người (2009), phân bố chủ yếu ở Kon Tum (Tây Nguyên). Tiếng nói của họ thuộc ngôn ngữ Môn – Khơ-me (ngữ hệ Nam Á).
Người Xơ-đăng làm nhiều loại vật dụng bằng gỗ, tre, nứa, mây, rất tinh tế và tiện lợi. Đồ gia dụng, công cụ và nhạc cụ đều phong phú, đa dạng. Nhóm Tơđrá có truyền thống thu nhặt quặng sắt, nung và luyện ra nguyên liệu để rèn dao, cuốc, rìu, giáo. Họ sử dụng các bễ lò làm bằng da hoẵng. Ở vùng tây bắc tỉnh Kon Tum, họ còn có nghề đãi vàng ở sông suối. Sản phẩm dệt phổ biến là vải bông, để mộc hoặc nhuộm chàm. Y phục cổ truyền gồm khố của nam giới, váy và áo của nữ giới, trời lạnh thì dùng tấm vải choàng người.
Nghệ thuật trang trí Xơ-đăng thể hiện tập trung ở hoa văn trên vải, đồ đan, cây nêu trong các lễ cúng, với 3 màu truyền thống là: đen, đỏ và trắng. Ở nhiều nơi, nhà rông là công trình kiến trúc hoành tráng của làng.
Người Xơ-đăng có nhiều nghi lễ theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, chủ yếu để cầu mùa, cầu an và tạ ơn thần linh, lớn nhất là lễ hiến sinh trâu.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, phần giới thiệu về người Xơ-đăng rất phong phú, được bố trí trong không gian "Môn - Khơ-me Trường Sơn - Tây Nguyên" ở tầng 2 của toà nhà "Trống đồng". Có hơn 30 hiện vật, gồm các loại: nông cụ, ngư cụ, nhạc cụ, vũ khí, trang sức, nón đan, gùi đàn ông, tẩu hút thuốc, vỏ bầu, bù nhìn, trang trí cột lễ... Trong số đó, đặc biệt là những chiếc gùi - loại đồ đựng và phương tiện vận chuyển không thể thiếu của người Xơ-đăng cũng như các dân tộc ở Tây Nguyên và ở vùng núi nói chung. Ngoài ra, trong trưng bày còn có mô hình nhà rông và các bức ảnh thực địa sống động. Tất cả các bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).