Người Cơ Lao thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai (ngữ hệ Thái - Kađai), với dân số 4.003 người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019), họ cư trú tập trung ở tỉnh Hà Giang, gồm vùng cao núi đá, núi đất (các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì), vùng giữa (huyện Yên Minh) và vùng thấp (hai huyện Vị Xuyên và Bắc Quang). Người Cơ Lao có ba nhóm địa phương: Cơ Lao Trắng, Cơ Lao Đỏ và Cơ Lao Xanh. Họ tiếp thu một số yếu tố văn hóa của người Hmông và người Dao cộng cư.
Về kinh tế, người Cơ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá, ngô là lương thực chính. Nhóm sinh sống ở vùng núi đất và thung lũng làm ruộng nước với lúa là cây trồng chủ đạo. Ngoài ra, họ còn trồng nhiều loại đậu, rau xanh... Chăn nuôi chỉ cung cấp sức kéo, phân bón, thực phẩm, ít có tính thương phẩm. Nghề thủ công truyền thống là nghề mộc (đóng bàn, hòm, yên ngựa, quan tài, các đồ đựng bằng gỗ) và nghề đan lát (sản phẩm là nong, bồ, phên, cót...). Nghề rèn đã mai một nhiều bởi sự sẵn có và giá rẻ của các mặt hàng rèn ở chợ nên hiện nay họ chủ yếu sửa chữa nông cụ. Gần đây, rượu ngô của người Cơ Lao đã dần trở thành mặt hàng được nhiều người biết đến.
Trước năm 1945, xã hội người Cơ Lao có sự phân hóa rõ rệt với hai tầng lớp: thống trị (chủ đất, chức dịch) và bị trị (nhân dân lao động). Ngày nay, xã hội người Cơ Lao được vận hành theo hệ thống quản lý hành chính cơ sở chung của cả nước với trưởng bản đứng đầu và điều hành mọi công việc trong bản bên cạnh hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội khác như Chi hội Hội nông dân, Chi hội Hội phụ nữ, Chi hội Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên...
Nhà của người Cơ Lao là nhà đất, phổ biến là ba gian, hai chái, mái lợp cỏ gianh hoặc bằng các ống vầu, nứa bổ đôi xếp úp ngửa. Người Cơ Lao Đỏ ở nhà trình tường, lợp ngói máng. Họ thường cư trú thành từng làng với khoảng 30-35 nóc nhà, tập trung theo dòng họ, mỗi làng có chừng 2-4 dòng họ: nhóm Cờ Lao Trắng thường có các họ Vần, Hồ, Sếnh, Chảo; các họ Min, Cáo, Sú Lý thuộc nhóm Cơ Lao Đỏ; họ Sáng là nhóm Cơ Lao Xanh. Gia đình nhỏ phụ hệ là phổ biến. Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ, chăm lo cho bàn thờ bố mẹ vợ và cả bàn thờ tổ tiên mình.
Người Cơ Lao theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Họ tin rằng mỗi người có ba hồn; lúa, ngô và gia súc cũng đều có hồn. Hồn lúa được cúng mỗi khi gặt xong vào dịp Tết mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tổ tiên được thờ từ ba đến bốn đời. Ngoài ra, họ còn cúng ma buồng, ma bếp, ma tổ sư nghề nghiệp. Thần đất được cho là phù hộ cho cả bản nên được toàn bản tổ chức cúng.
Giữa các nhóm người Cơ Lao, tục lệ cưới xin khá đa dạng. Chú rể Cơ Lao Xanh mặc áo dài xanh, cuốn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng nhà trai phải búi tóc ngược lên đỉnh đầu và dẫm vỡ một cái bát, một cái muôi gỗ được để sẵn trước cổng. Cô dâu Cơ Lao Đỏ chỉ ngủ tại nhà chồng vào đêm hôm đón dâu rồi về nhà mẹ đẻ ở một năm. Người chồng thỉnh thoảng sang nhà vợ vài ngày. Hết thời hạn một năm, nhà trai sang đón con dâu của mình về nhà. Từ đó, hai vợ chồng mới thực sự chung sống bên nhà chồng. Người Cơ Lao cũng có tục kéo vợ (cướp vợ) như người Hmông. Ngày nay, các lễ nghi cưới của người Cơ Lao đã đơn giản hơn nhưng những nét đặc sắc vẫn được giữ gìn.
Người Cơ Lao có tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ ma khô. Đối với người Cơ Lao Xanh, lễ ma khô có thể tổ chức ngay hôm chôn hoặc một vài năm sau. Người Cơ Lao Đỏ lại có tục xếp đá quanh mộ, người chết cứ thêm 10 tuổi lại được xếp một vòng đá; các vòng đá tuổi được phủ kín đất.
Kho tàng văn học truyền miệng của người Cơ Lao phong phú với các thể loại như truyện cổ tích, ngụ ngôn, tục ngữ, thành ngữ, ca dao, dân ca phản ảnh quan điểm, triết lý sống của họ về thế giới và nhân sinh. Họ có hai điệu múa đặc trưng là múa dương vật (linga) và múa cung kiếm.
Tại trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện vật của người Cơ Lao được giới thiệu trong không gian các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai ở tầng 2 của tòa nhà Trống đồng. Tất cả bài viết và thông tin đều được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Việt, Pháp, Anh).
Người viết: Vũ Thị Thanh Tâm
Ảnh: BTDTHVN