Người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc, chuyển cư sang Việt Nam kéo dài từ thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Đây là một trong những dân tộc có nhiều nhóm địa phương như: Dao Ðỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao sừng, Dao Dụ lạy, Dao Ðại bản), Dao Quần chẹt (Dao Sơn đầu, Dao Tam đảo, Dao Nga hoàng, Dụ Cùn), Dao Lô gang (Dao Thanh phán, Dao Cóc Mùn), Dao Tiền (Dao Ðeo tiền, Dao Tiểu bản), Dao Quần trắng (Dao Họ), Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn (Dao Tuyển, Dao áo dài). Họ tự nhận mình là Kìm Miền, Kìm Mùn (người ở rừng) hay còn được gọi là Động, Xá, Mán... Dân tộc Dao có 891.151 người (2019), cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc, trung du Bắc Bộ.
Do cư trú ở các địa hình khác nhau nên nhà cửa của người Dao rất đa dạng về loại hình: nhà trệt, nhà sàn và nhà nửa sàn, nửa đất. Trang phục của người Dao, đặc biệt là trang phục nữ, cũng đa dạng theo nhóm địa phương. Họ chủ yếu mặc áo dài với quần hoặc váy, được trang trí hoa văn với các mô típ đặc trưng của người Dao như: hình cây thông, hình người, chữ vạn… Kỹ thuật trang trí chủ yếu là ghép vải màu, thêu tay (với khả năng thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải); riêng nhóm Dao Tiền kết hợp cả kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong.
Người Dao vừa thực hành tín ngưỡng nguyên thủy thông qua các nghi lễ nông nghiệp, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên trong từng gia đình. Theo truyền thống, tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ vừa mang tính chất của Ðạo giáo, vừa mang những dấu vết của lễ thành đinh xa xưa.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Dao được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.