Image
Loading

Người Hmông ở Việt Nam có nhiều nhóm địa phương: Hmông Trắng, Hmông Đen, Hmông Xanh, Hmông Hoa… Dân tộc Hmông có 1.393.547 người (2019), sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Từ nhiều năm trước, một số người Hmông đã di cư đến hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông của Tây Nguyên.

Trang phục của người Hmông chủ yếu được làm từ sợi lanh, khác nhau về hình thức trang trí tùy theo từng nhóm Hmông. Phụ nữ Hmông Hoa mặc trang phục sặc sỡ hơn cả; bộ váy, áo được kết hợp thêu hoa văn bằng chỉ màu, in hoa văn bằng sáp ong và ghép vải màu. Phụ nữ Hmông Trắng mặc váy trắng không trang trí hoa văn. Hình xoáy ốc, hạt bí, quả trám… là những mô típ hoa văn chủ yếu trên trang phục của người Hmông.

Người Hmông còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Cộng đồng Hmông nổi tiếng với những món ăn đặc trưng như mèn mén (bột ngô đồ), thắng cố, rượu ngô hay các phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc tộc người. Lễ hội gầu tào đầu năm mới là một trong những lễ hội đặc sắc, thể hiện mong ước, khát vọng của họ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, văn hóa của người Hmông được giới thiệu tại khu trưng bày nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, tầng 2, tòa nhà Trống đồng.